Hai mặt của sự im lặng
Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013
Trong ứng xử hằng ngày của chúng ta, đôi khi chúng ta lại im lặng. Sự im lặng thường có hai mặt, tích cực và tiêu cực.
Mặt tích cực của sự im lặng thể hiện rõ nét trong văn hóa giao tiếp. Trong một cuộc nói chuyện có nhiều người tham gia, họ ở nhiều độ tuổi, trình độ học vấn, xuất thân từ gia cảnh khác nhau. Là một trong những người ấy thì ta nên biết im lặng để lắng nghe và phát biểu đúng lúc. Chính sự lắng nghe tốt sẽ thể hiện sự quan tâm của ta tới mọi người. Điều này mới nghe có vẻ đơn giản. Đặc biệt phải biết im lặng khi người đối thoại trực tiếp với ta tỏ vẻ muốn… tranh cãi!
Im lặng theo hướng tích cực có nhiều cái lợi. Nhưng muốn giữ được sự im lặng trong những trường hợp như thế phải có bí quyết, đó là cả một nghệ thuật mà ta sẽ phải trau dồi rất nhiều để làm chủ nó: Tâm phải tĩnh, không hiếu thắng, không hiếu danh. Sự im lặng có ý nghĩa nhân văn vì không nên tranh cãi vô ích, những chuyện không đáng.
Mặt tiêu cực của sự im lặng là gì? Im lặng thể hiện sự bàng quan, ai làm gì kệ họ không liên quan gì đến ta. Đó là sự im lặng theo hướng ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Lại có sự im lặng theo hướng “chống đối ngầm”. Thấy người khác hơn mình. Im lặng. Im lặng để ngấm ngầm làm những chuyện hại người. Sự im lặng khó đoán, thâm độc, sự im lặng đáng sợ.
Và một sự im lặng khác cũng tai hại không kém. Sự im lặng vô cảm. Khi tham gia giao thông trên đường, thấy một tai nạn giao thông. Người bị tai nạn nằm đấy, không ai giúp đỡ người bị nạn, họ im lặng vô cảm và lặng lẽ lấy điện thoại di động ra quay lại cảnh ấy. Thấy cảnh đánh nhau, họ im lặng nhếch môi cười bỏ đi. Tới chốt đèn giao thông, họ thấy người ta vượt đèn đỏ, họ im lặng nhìn trước nhìn sau và tham gia vượt… theo!. Martin Lutherking – nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi, từng đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964, cho rằng: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đến đáng sợ của người tốt.”
Con người sinh ra và lớn lên, họ luôn đối diện với nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều trạng thái khác nhau trong cuộc sống. Xót xa là một cảm giác đau đớn, nuối tiếc vô cùng sâu sắc. Còn im lặng tức là không có hành động hay phản ứng cụ thể trước những tình huống, sự việc đáng lẽ cần có thái độ, có phản ứng. Sự im lặng ấy trở nên đáng sợ khi nó là một biểu hiện bất thường trong cách ứng xử của con người có thể gây ra cảm giác bất an cho người khác. Thực tế, chúng ta sống trong một xã hội luôn tồn tại hai loại người: kẻ xấu là người kém đạo đức, đáng khinh ghét, có thể gây hại, mang lại những điều không hay. Lời nói và hành động của họ đều không phù hợp với các quy tắc chuẩn mực đạo đức, làm tổn thương người khác và có những tác động tiêu cực đến xã hội. Ngược lại, người tốt luôn có những biểu hiện đáng quý về tư cách đạo đức, về thái độ hành vi trong các mối quan hệ và được mọi người đánh giá cao. Như vậy, thông qua câu nói của mình, Martin Lutherking muốn gửi gắm tới người đọc một thông điệp sâu sắc: Nỗi đau đớn nuối tiếc do những lời nói và hành động của người xấu không xót xa bằng việc người tốt không có hành động thái độ hay bất kì phản ứng nào trước việc làm sai trái ấy. Xót xa trước hành động của người xấu là lẽ tất nhiên. Nhưng tại sao chúng ta lại xót xa hơn trước sự im lặng đến đáng sợ của người tốt? Trong suy nghĩ của mọi người, người tốt luôn có tư cách đạo đức, có khả năng và trách nhiệm trong việc thực hiện những hành vi đem lại lợi ích cho cộng đồng xã hội. Với phẩm chất vốn có ấy, họ không thể nào không có phản ứng trước cái xấu, cái tiêu cực, những điều “chướng tai gai mắt” trong xã hội. Vậy nên, thái độ im lặng của họ chính là một biểu hiện bất thường.
Sự im lặng ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Họ im lặng bởi họ bất lực khi thấy phản ứng của mình không hề có hiệu quả. Họ im lặng khi cảm thấy cô độc, lạc lõng vì những việc tốt mình làm không nhận được sự ủng hộ của số đông. Chăm lo làm kinh tế khiến đời sống khá giả, nhưng mê mải quá nhiều lại đẩy người ta ra xa nhau hơn, lo cho lợi ích của mình hơn là lợi ích người khác. Có rất ít người sẽ la lên khi thấy một tên trộm đang trộm xe trên vỉa hè hay đứng ra bênh vực nạn nhân trong một vụ va chạm trên đường phố – nhất là kẻ gây sự lại là đám côn đồ, lưu manh. Người tốt im lặng khi họ mất niềm tin, khi họ thấy kết quả của những lời nói, hành động xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm lại trở thành sự coi nhẹ, chế nhạo của người khác, thậm chí còn gây ra những tổn thương không đáng có cho chính họ.
Trong cuộc sống thường nhật, ta có nên im lặng? Nên và không nên! Tuổi trẻ ngày nay rất sáng tạo, năng động. Với họ, im lặng đôi khi lại khó. Dù khó nhưng phải rèn cho mình biết im lặng. Im lặng khi cần thiết cho mình, cho người và đừng nên im lặng khi người khác cần mình giúp đỡ.
Bác sĩ Lê Trung Ngân
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét