Truyện tích Thánh Antôn Paduva: Phần dẫn nhập
Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013
DẪN NHẬP
Thánh Antôn qua đời ngày 13-6-1231, được phong thánh một năm sau, ngày 30-5-1232.
Từ sau ngày phong thánh, trong hai thế kỷ 13,14; sách viết về người cũng ít. Các tài liệu gốc, hay gọi là nguồn không dồi dào. Để phác họa lại chân dung vị thánh hay làm phép lạ, vị thánh của đại chúng, chỉ có một số cứ liệu gom lại kê là ít. Đã ít mà còn, một đàng, thiếu độc đáo, tác giả sau cứ chép lại tác giả trước, đàng khác, thiếu độc đáo, nhiều sự kiện được kể đại cương lờ mờ.
Các nhà biên khảo phê bình hiện đại đã gần nhất trí với nhau phủ nhận giá trị lịch sử của các sách viết sau thế kỷ 14. Các vị đã đưa các tài liệu gốc, chính thức, viết ở hai thế kỷ 13,14, ra so sánh tỉ mỉ, nghiên cứu nghiệt ngã, cá vị vẫn chưa đồng ý với nhau về mức độ tin tưởng đặt vào giá trị thực sự của các tài liệu cổ ấy và các vị thường đi đến những kết luận không hoàn toàn với nhau. Tóm lại, sự hiểu biết của chúng ta về cuộc đời thánh Antôn vẫn còn là từng mảnh, ngổn ngang các điểm đang tranh luận và đầy những chỗ trống thường được lấp bằng các cố gắng của tưởng tượng. Các tài liệu gốc ít và nghèo nàn.
Về thế kỷ 13, ngoài vài trang ký sự có giá trị, liên quan đến thánh Antôn, của Thomas de Eccleston trong De Adventu Minorum In Angliam (Về Anh Em Hèn Mọn sang nước Anh), và của Rolando, chưởng kế ở Padova, mất năm 1276, sách cổ viết về thánh Antôn có:
Legenda prima (Truyện Một). Có một tên nữa là Legenda Assidua, vì sách khởi đầu bằng câu: Assidua Fratrum postulatione deductus... cho đến nay vẫn chưa biết tác giả là ai. Các nhà biên khảo đã tranh luận nhiều, để biết sách có phải do nhiều tác giả không. Giả thuyết này hiện nay bị bỏ. Một giả thuyết vững hơn được đưa ra, nghĩ rằng tác giả đã sử dụng nhiều nguồn khác nhau và đã sử dụng vũng về. Tác giả viết sách năm nào? Chính tác giả cho biết đã hỏi han Soerio II, giám mục Lisboa, mất năm 1232. Điều này chứng tỏ tác giả đã viết sách không lâu sau ngày phong thánh, ngày 30 tháng 5 năm ấy.
Một số thủ bạn sách Truyện Một có thêm Phụ Lục, chẳng hạn Thủ bạn phân khoa thần học Tin Lành ở Paris, nói đến phép lạ lưỡi thánh Antôn còn y nguyên, lúc cải táng hài cốt thánh nhân năm 1263, đem về táng tại thánh đường mới ở Padova, thủ bạn 74 ở thư viện thánh Antôn tại Padova, có phụ lục kể các phép lạ, mà người sưu tập nói là đã trích trong tập sách của tu sĩ Pierre Raymond de Saint- Rômain, viết năm 1293.
Truyện Một đã được dùng làm tài liệu để viết:
- Về thánh Antôn trong bộ Dialogus de Gestis Sano torum Fratrum Minorum (Đối thoại về các kỳ tích của các thánh dòng Anh Em Hèn Mọn).
- Legenda Secunda (Truyện Hai). Nhóm Bollandistes đã xuất bản sách này dưới nhan đề Vita auctore anonymo valde antiqua (Truyện rất cổ do tác giả khuyết danh). Delorme, nhà biên khảo Phan Sinh thời danh, đã chứng minh sách này là tác phẩm của Juliel de Spire, bằng cách so sánh sách này với bản kinh thần tụng cổ nhất dùng trong ngày lễ thánh Antôn, do Juliel de Spire. Truyện của Juliel de Spire được viết trước năm 1246. Bản kinh thần tụng đã được dùng trong dòng Anh Em Hèn Mọn một thời gian rồi, trước năm này. Thơ có trước văn xuôi.
- Legenda Florendina , thủ bản viết sau năm 1280, được giữ ở thư viện La Laurentienne tại Firenze, tóm lược Legenda prima và Legenda của Juliel de Spire. Tác giả, khuyết danh, người đầu tiên đã vắn tắt kể chuyện thánh Antôn kể cho cá, truyện về sau được Những Bông Hoa Nhỏ vẽ vời thêm và phổ biến rộng rãi. Tác giả còn kể thêm một số phép lạ thánh Antôn đã làm lúc sinh thời, nhưng lại không nói đến nơi chốn.
- Legenda Raymundina, viết năm 1293, hẳn là do Pierre Raymon de Saint- Rômain . Trong đó có khẳng định: Thánh Antôn đã làm linh mục trước lúc vào dòng Anh Em Hèn Mọn.
- Truyện Thánh Antôn Padua , do Jean Rigauld, như sẽ nói sau.
Về thế kỷ 14 có sách:
- Legenda Benignitas, gọi tên như thế vì sách khởi đầu với câu: Benignitas et Humanitas Salvatoris nostri apparuit in hoc saeculo..., viết năm 1316, tác giả khuyết danh, đã chép lại Legenda Prima và thêm vào nhiều truyện mới. Nhưng những truyện này đáng tin đến mức độ nào? Những sự kiện có thể kiểm chứng được, ta thấy tác giả nói không đúng sự thực. Chẳng hạn kể rằng thánh Antôn đã thành lập phái cuồng tín đánh tội tập thể công khai, rằng thánh Antôn đã thuyết phục được bạo chúa Ezzelino da Romno.
- Một "chỉ dẫn" ngắn, xen vào sách Historia ab origine mundi
(lịch sử từ khai nguyên thế giới), của Pualin de Venise, Dòng Anh Em Hèn Mọn, mất năm 1244, vay mượn từ Legenda Prima và Legeda của Juliel de Spire. Điều đáng lưu ý là tác giả kể thánh Antôn làm giáo sư đầu tiên trong số Anh Em dạy thần học ở Bologna . Nhưng câu văn thiếu trong sáng, nên có thể hiểu sai, vì theo câu văn thì có phân khoa thần học ở Bologna , mà thực sự chưa có phân khoa này sinh thời thánh Antôn.
- Liber Miraculorum (Sách các phép lạ); được soạn sau năm 1367, vì ngày tháng có ghi trong sách. Tác giả sử dụng tất cả các tài liệu gốc, nhưng thường nhuận sắc và phóng đại các mẫu chuyện. Tác giả cũng kể một vài phép lạ riêng tác giả biết hoặc đã trích một sách nào đó ngày nay đã thất lạc.
- Chronique des XXIV Géneraux (Niên sử của 24 Tổng Phụng Vụ) Sách này không những ghi toàn bộ Sách các Phép lạ mà còn kể thêm nhiều truyện thần kỳ về thánh Antôn.
- De Conformitate Vitae beati Francíci ad Vitam Domini Jesu (Cuộc đời thánh Phanxicô giống cuộc đời Chúa Giêsu), thiên tràng giang đại luận của Barthélemy da Pisa, viết trước năm1399, trong đó nhiều trang được dành cho thánh Antôn. Tác giả đã sử dụng các tài liệu có trước và thường mâu thuẫn với các tác giả trước, nhất là về nơi chốn truyện xảy ra. Người ta gặp trong sách này, lần đầu tiên, truyện thánh Antôn tuyên báo cho ông chưởng khế ở Puy rằng ông sẽ được ơn tử đạo và truyện thánh Antôn về Lisboa một cách lạ lùng để cứu ông cụ thân sinh bị án oan.
Không nên kể thêm các sách viết sau thế kỷ 14. Thời đại nguồn gốc đã chính thức chấm dứt.
Riêng truyện thánh Antôn do Jean Rigauld, được dịch sang tiếng Việt sau đây, Delorme, nhà biên khảo, chuyên nghiên cứu lịch sử Phan Sinh, đã được vinh dự khám phá ra trong thủ bản 270, tại thư viện Bordeaux , nước Pháp, và đã xuất bản lần thứ nhất năm 1899.
Không kể chương 10, dành riêng cho các phép lạ của thánh nhân sau khi qua đời, 9 chương khác được chia làm hai phần.
Phần I, gồm các chương 1,2,3,4,9 và đoạn đầu chương 5 Jean Rigauld đã theo sát Truyện của Julien de Spire.
Phần II, từ đoạn sau chương 5 và các chương 6,7,8 tác giả đã thực sự độc đáo và giữ đúng lời hứa trong Lời Nói Đầu, tác giả kể một số phép lạ, do lời chuyển cầu của thánh nhân, lúc người ở Limousin bên nước Pháp, số phép lạ này tác giả không thấy kể trong các chép đã viết trước.
Delorme đánh giá: "Qua hai lần phê bình và xác định, tác phẩm này, xét về thời đại tác giả viết, thật đáng đặc biệt lưu ý... Không phải chỉ là một sưu tập lộn xộn các điều kỳ diệu như Sách Các Phép Lạ, nhưng là một tiểu sử chính thức, được sáng tác theo một bố cục hợp lý, có phương pháp, chủ trương trình bày cho chúng ta thấy tư cách, tính tình và các nhân đức của thánh nhân cũng như các hành vi hoạt động của người... Trong khi các Truyện trước, không đầy đủ, không cân đối, chỉ trường thuật chi tiết giai đoạn đầu cuộc đời vị thánh hay làm phép lạ và về cái chết, về cuộc lễ an táng người, thì tác phẩm của Jean Rigauld bao gồm toàn bộ tiểu sử người và đặc biệt lưu ý đến các sự kiện đánh dấu những ngày người ở trên đất Pháp".
Nói "toàn bộ tiểu sử người" có lẽ là một lời nói quá; vì tác giả đã không đề cập đến thời gian thánh nhân ở Montpellier , ở Toulouse và ở Puy bên nước Pháp.
Alexandre Masseron, một sử gia đã từng nghiên cứu các sách cổ Phan Sinh, nhận định: "Nếu được phép tiếc Jean Rigauld đã không mở rộng thêm phạm vi sưu tầm và cho một vài niên biểu chính xác rất quí đối với chúng ta, thì tác giả đã chuộc lại các thiếu sót ấy bằng chu đáo trong tìm tòi, trung thực, thành thực, phấn khởi, nhiệt tình, khâm phục và yêu mến thánh nhân, hơn ai hết tác giả đã đặc biệt chứng minh sức hấp dẫn mãnh liệt lôi cuốn quần chúng đông đảo đến chen chúc chung quanh toà giảng của thánh nhân.
Bố cục các sự kiện dưới những đề mục độc đáo, trong những chương đặc biệt là của bản thân, Jean Rigauld đã chú tâm giới thiệu người hùng của mình. Ở điểm này, tác giả đã thành công, chân dung do tác giả phác hoạ, nhìn rồi thật khó quên, không một chân dung nào, cũng linh động, cũng rắn rỏi như thế trong các truyện cổ".
T.P
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét