Kẻ thua không bỏ cuộc!
Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013
EMTY (academictips.org, 26-9-2012, bởi Đại uý J. David Atwater, Tuyên uý Hải quân Hoa Kỳ) - Khi còn là một cậu bé thì người chú cứ gọi cậu là “Sparky”, đặt theo tên con ngựa Spark Plug trong truyện tranh. Việc học hành là điều không thể đối với Sparky. Cậu trượt mọi môn trong chương trình lớp 8. Cậu thất bại môn vật lý ở trung học, với số điểm là 0. Cậu cũng thất bại ở lớp học Latinh, đại số và tiếng Anh. Và thành tích của cậu ở môn thể thao cũng không khá hơn tí nào. Mặc dù cậu đã cố gắng để được lọt vào đội golf của trường, nhưng cậu bị loại nhanh chóng trong trận đấu quan trọng duy nhất của mùa giải. Nhưng còn một trận đấu an ủi, cậu cũng thua luôn trận đó.
Suốt thời tuổi trẻ của mình, Sparky rất vụng về xã giao. Không phải là những học sinh khác không thích cậu, chỉ là không ai thực sự quan tâm nhiều như thế. Thực tế, Sparky rất ngạc nhiên nếu có người bạn cùng lớp nói lời chào với cậu ngoài giờ học. Không có cách nào để biết được cậu thực hiện những cuộc hẹn hò ra sao. Cậu chưa từng ngỏ lời hẹn với một cô gái cùng trường. Cậu đã quá sợ bị từ chối... hoặc có thể bị cười nhạo. Sparky là kẻ thua cuộc. Bản thân cậu, bạn cùng lớp của cậu... tất cả mọi người đều biết điều đó. Vì vậy, cậu đã học để sống với nó. Cậu quyết tâm rằng nếu mọi sự có thể lý giải, thì chúng sẽ được lý giải. Bằng không, cậu sẽ tự bằng lòng với những gì dường như là sự tầm thường không thể tránh khỏi của mình.
Tuy nhiên, một điều quan trọng đối với Sparky là vẽ. Cậu tự hào về tác phẩm nghệ thuật của mình. Không ai đánh giá cao về nó. Nhưng điều đó dường như không quan trọng đối với cậu. Trong năm cuối bậc trung học, cậu đã gửi một số tranh biếm hoạ để đăng trong cuốn niên giám nhà trường. Ban biên tập bác bỏ khái niệm của cậu. Dù bị muối mặt, Sparky vẫn tự thuyết phục về khả năng của mình. Cậu thậm chí còn quyết định trở thành một nghệ sĩ.
Vì vậy, sau khi hoàn tất trung học, Sparky đã viết thư đến Văn phòng Trung tâm Giải trí Walt Disney. Họ yêu cầu cậu gửi các mẫu tác phẩm nghệ thuật của cậu. Mặc dù chuẩn bị cẩn thận, nhưng chúng cũng bị từ chối. Thêm một lần nữa xác nhận rằng cậu là một kẻ thua cuộc.
Nhưng Sparky vẫn không bỏ cuộc. Thay vào đó, cậu đã quyết định kể lại câu chuyện về cuộc sống riêng của mình qua tranh biếm hoạ. Nhân vật chính là một cậu bé tượng trưng cho kẻ liên tục thua cuộc và là kẻ thường xuyên thất bại. Bạn biết nhân vật này mà. Vì nhân vật biếm hoạ của Sparky đã trở thành một trong những loại hiện tượng văn hoá. Người ta dễ dàng nhận ra “kẻ thất bại đáng yêu” này. Nhân vật này nhắc nhở mọi người về những khoảnh khắc đau đớn và xấu hổ trong quá khứ của mình, về nỗi đau của họ và tính nhân bản được chia sẻ của họ. Nhân vật này nhanh chóng trở thành nổi tiếng trên toàn thế giới: “Charlie Brown”. Và Sparky, cậu bé tuy có nhiều thất bại nhưng chưa bao giờ bỏ cuộc, người mà việc làm của cậu đã bị từ chối từ lần này đến lần khác,... trở thành người vẽ tranh biếm hoạ rất thành công - Charles Schultz. Loạt tranh biếm hoạ của cậu, có tựa là “Đậu phộng”, tiếp tục truyền cảm hứng để cho ra đời những cuốn sách, áo thun và những món quà Giáng Sinh đặc biệt. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng, như có người từng nhận xét, cuộc sống bằng cách nào đó sẽ tìm đến với tất cả chúng ta, kể cả những kẻ thua cuộc.
Câu chuyện về Sparky nhắc nhở chúng ta về một nguyên tắc rất quan trọng trong cuộc sống. Tất cả chúng ta dù phải đối mặt với khó khăn và chán nản lúc này hay khi khác, chúng ta cũng có một cách lựa chọn để xử lý nó. Nếu chúng ta kiên trì, nếu chúng ta vững tin, nếu chúng ta tiếp tục phát triển những tài năng độc đáo mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, thì nào ai biết được điều gì có thể xảy ra! Chúng ta có thể kết thúc với một cái nhìn sâu sắc và khả năng truyền cảm hứng chỉ đến khi nào gặp khó khăn. Cuối cùng, không có “kẻ thua cuộc” đối với Thiên Chúa. Vì một số người chiến thắng cần nhiều thời gian hơn để bộc lộ!
***
Về tranh biếm hoạ của Charles Schulz
“Đậu phộng” (Peanuts) là loạt tranh biếm hoạ đăng trên các nhật báo và báo Chủ Nhật của Hoa Kỳ, do Charles M. Schulz viết và minh hoạ, kéo dài suốt từ ngày 2-10-1950 đến 13-2-2000, sau đó tiếp tục được đăng lại.
Tranh biếm hoạ Peanuts
Mục tranh vui này rất nổi tiếng và có ảnh hưởng trong lịch sử truyện tranh, với 17.897 mẩu chuyện đã xuất bản, làm nó “trở thành câu truyện dài nhất do một người kể”, theo Robert Thompson của Đại học Syracuse. Lúc cao điểm, mục “Đậu phộng” được đăng trên hơn 2.600 tờ báo, với số lượng độc giả hơn 355 triệu người trong 75 quốc gia và được dịch ra 21 ngôn ngữ.
Mai Trang
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét