THỦ BẢN HIỆP HỘI RẤT THÁNH ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013
THỦ BẢN
Sau khi bấm vào, xin bấm tiếp download để tải nguyên bản về máy.
Thủ bản đã được biên soạn để in trên khổ giấy A6.
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU
KÝ HIỆU TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
CHỮ VIẾT TẮT KINH THÁNH
CÁC CHỮ VIẾT TẮT KHÁC
HIỆP HỘI RẤT THÁNH ĐỨC MẸ MÂN CÔI
CHƯƠNG I: LUẬT CHUNG
I. DANH XƯNG
II. TÔN CHỈ
III. MỤC ĐÍCH
IV. TINH THẦN
V. SỰ ƯU VIỆT
VI. GIÁO HOÀNG VÀ HỘI MÂN CÔI
VII. QUYỀN THÀNH LẬP
VIII. TỔ CHỨC
IX. HỘI VIÊN
X. ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP
XI. GHI DANH GIA NHẬP
CHƯƠNG II: QUY CHẾ RIÊNG
I. TỔ CHỨC
II. SINH HOẠT
PHỤ LỤC: NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT
PHỤ LỤC 1: ĐỨC TIN
PHỤ LỤC 2: SỐNG ĐỨC TIN
PHỤ LỤC 3: ĐÔI NÉT VỀ KINH MÂN CÔI
PHỤ LỤC 4: HƯỚNG DẪN CẦU NGUYỆN
PHỤ LỤC 5: ĐIỀU CẦN KHI ĐỌC KINH MÂN CÔI
PHỤ LỤC 6: PHƯƠNG THỨC LẦN HẠT MÂN CÔI
PHỤ LỤC 7: CÁC KINH THƯỜNG ĐỌC
PHỤ LỤC 8: NHỮNG NGÀY LỄ VỀ MẸ MARIA
PHỤ LỤC 9: NHỮNG LỜI MẸ MARIA HỨA
PHỤ LỤC 10: MẪU GHI DANH GIA NHẬP
LỜI GIỚI THIỆU
Theo thánh Louis Marie Grignion de Montfort (xc. Le Secret Admirable du Très Saint Rosaire, 10-17) và Đức Lêô XIII (xc. Augustissimae Virginis Mariae, 7), thánh Đa Minh được coi là người thành lập Hội Mân Côi. Sau thời thánh Đa Minh, Kinh Mân Côi và Hội Mân Côi hầu như bị lãng quên. Sau này, một tu sĩ Đa Minh là chân phước Alain de la Roche bắt đầu tái rao giảng về Kinh Mân Côi và tái lập Hội Mân Côi; từ đó, Hội Mân Côi phát triển ra ở nhiều nơi (xc. Secret Admirable du Très Saint Rosaire, 18-20).
Kể từ thời thánh giáo hoàng Piô V, các vị giáo hoàng khác và đặc biệt là Đức Lêô XIII đã uỷ thác độc quyền thành lập, cổ võ và phổ biến Hội Mân Côi cho Dòng Đa Minh (xc. Đức Sixtô V, Dum Inefabilia, 20/06/1586; Đức Phaolô V,Cum Olim, 20/09/1608; Đức Innocentiô XI, Nuper Pro Parte, 31/07/1679; Đức Bênêđictô XIII, Pretiosus,23/05/1727; Đức Lêô XIII, Ubi Primum, 02/10/1898).
Tại Việt Nam, các vị thừa sai đã phổ biến Hội Mân Côi từ rất lâu tại các giáo phận do Dòng Đa Minh đảm trách (Bùi Chu, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn). Từ giữa thế kỷ XX, khi giáo dân từ các giáo phận này di cư vào Miền Nam, Hội Mân Côi cũng được thành lập tại nhiều giáo xứ di cư. Đứng trước nhu cầu mục vụ đó, cha Giuse Nguyễn Tri Ân, OP. đã dày công biên soạn cuốn “Hội Mân Côi” bằng tiếng Việt (Chân Lý Xuất Bản, 1958), và ngài cũng ra sức thành lập Hội Mân Côi nhiều nơi.
Sau năm 1975, các mối liên hệ giữa Tỉnh dòng và các Hội Mân Côi, giữa các Hội với nhau hầu như bị cắt đứt. Các sinh hoạt của Hội Mân Côi hầu như chỉ còn âm thầm và riêng tư. Tỉnh hội năm 2007 đã chỉ thị tái lập Hội Mân Côi. Sau năm 2007, công việc cổ võ Kinh Mân Côi bắt đầu được tái khởi động; nhiều Hội Mân Côi tái sinh hoạt và nhiều Hội Mân Côi được thành lập.
Cuốn Thủ Bản này ra mắt nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tín hữu muốn ghi danh gia nhập Hội Mân Côi; và đồng thời nhằm khuyến khích người tín hữu siêng năng lần hạt Mân Côi theo mệnh lệnh của Mẹ Maria tại Fatima năm 1917 và lời mời gọi tái khám phá Kinh Mân Côi của Đức Gioan Phaolô II (xc. Rosarium Virginis Mariae, 43).
Tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn Thủ Bản này như một nỗ lực làm sống lại thói quen lần hạt Mân Côi nơi mỗi cá nhân, nơi gia đình cũng như nơi cộng đoàn sống đạo nhằm nuôi dưỡng và củng cố đức tin trong cuộc sống hằng ngày.
Trụ sở Tỉnh dòng, ngày 15/09/2013
Tu sĩ Giuse Ngô Sĩ Đình, OP.
Giám tỉnh
KÝ HIỆU TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
AD Đức Lêô XIII, Adiutricem, 05/09/1895
AOP Annuales Ordinis Praedicatorum I, col. 212
AVM Đức Lêô XIII, Augustissimae Virginis Mariae, 12/09/1897
BOP Bullarium Ordinis Praedicatorum, IV, 392
CM Đức Phaolô VI, Christi Matri, 15/09/1966
CO Đức Phaolô V, Cum Olim, 20/09/1608
CRP Đức Piô V, Consueverunt Romani Pontifices, 17/09/1569
DI Đức Sixtô V, Dum Inefabilia, 20/06/1586
DT Đức Lêô XIII, Diuturni Temporis, 05/09/1898
EE Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia, 17/04/2003
EI Enchiridion Indulgentiarum, Ấn bản 1999
FAD Đức Bênêđictô XV, Fausto Appetente Die, 29/07/1921
FPA Đức Lêô XIII, Fidentem Piumque Animum, 20/09/1896
GR Đức Gioan XXIII, Grata Recordatio, 26/09/1959
HMC Fr. J. Nguyễn Tri Ân, OP., Hội Mân Côi, Chân Lý Xuất Bản, 1958
IC Info CLIOP – Commission Liturgique Internationale de l’ Ordre des Prêcheurs
IM Đức Piô XI, Ingravescentibus Malis, 29/09/1937
INM Đức Piô XII, Ingruentium Malorum, 15/09/1951
LG Công đồng Vaticanô II, Lumen Gentium (Bản dịch Việt ngữ của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, NXB. Tôn Giáo, 2012)
MC Đức Phaolô VI, Marialis Cultus, 02/02/1974
MG Josephum Larroca, Magistrum Generalem I.I. 1890
NPP Đức Innocentiô XI, Nuper Pro Parte, 31/07/1679
PR Đức Bênêđictô XIII, Pretiosus, 23/05/1727
PSV Les 15 Promesses de la Sainte Vierge, trong “La Sainte Vierge à Saint Dominique et au Bienheureux Alain de la Roche”
RVM Đức Gioan Phaolô II, Rosarium Virginis Mariae, 16/10/2002
SAO Đức Lêô XIII, Supremi Apostolatus Officio, 01/09/1883
SAT Thánh Louis Marie Grignion de Montfort, Le Secret Admirable du Très Saint Rosaire
SC Công đồng Vaticanô II, Sacrosanctum Concilium
SGL Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, ấn bản 1992 (Bản dịch Việt ngữ của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, NXB. Tôn Giáo, 2012)
UP Đức Lêô XIII, Ubi Primum, 02/10/1898
CHỮ VIẾT TẮT KINH THÁNH
Theo Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
CÁC CHỮ VIẾT TẮT KHÁC
xc Xin coi
HIỆP HỘI RẤT THÁNH ĐỨC MẸ MÂN CÔI
CHƯƠNG I: LUẬT CHUNG
I. DANH XƯNG
1. Hiệp hội gồm những người tín hữu chuyên lo cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi được gọi là Hiệp Hội Rất Thánh Đức Mẹ Mân Côi hay Hiệp Hội Kinh Mân Côi và được gọi tắt là Hội Mân Côi.
II. TÔN CHỈ
2. Tôn chỉ của Hội Mân Côi là lấy Kinh Mân Côi làm phương thức:
§1. Để nhờ Mẹ Maria và cùng với Mẹ Maria mà chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi;
§2. Tôn kính Mẹ Maria;
§3. Thánh hoá bản thân và tha nhân;
§4. Đẩy lui sự dữ và ma quỷ.
III. MỤC ĐÍCH
3. Mục đích của Hội Mân Côi là dùng Kinh
Mân Côi để:
Mân Côi để:
§1. Cầu nguyện cho Hội Thánh địa phương cũng như hoàn vũ;
§2. Cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục;
§3. Cầu nguyện cho người có tội biết ăn năn trở về với Chúa, người chưa nhận biết Chúa có cơ hội tin nhận Chúa;
§4. Cầu nguyện cho những người đang đau khổ, bệnh tật và buồn chán;
§5. Cầu nguyện cho thế giới;
§6. Cầu nguyện cho quê hương, dân tộc;
§7. Xin một ơn gì, đặc biệt là xin cho khỏi những bệnh tật nguy hiểm và ngày càng thêm thánh thiện hơn;
§8. Cầu nguyện cho công việc truyền giáo và các sứ vụ khác của Giáo Hội;
§9. Cầu nguyện cho các tu sĩ Đa Minh và các hội viên đang sống cũng như đã qua đời...
IV. TINH THẦN
4. Hội Mân Côi mang tâm tình với Mẹ Maria:
§1. Tưởng nhớ và chiêm ngưỡng Đức Kitô (xc. RVM 13);
§2. Học hỏi Đức Kitô (xc. RVM 14);
§3. Cầu nguyện với Đức Kitô (xc. RVM 16);
§4. Loan báo Đức Kitô (xc. RVM 17);
§5. Nên giống Đức Kitô (xc. RVM 15).
V. SỰ ƯU VIỆT
5. Trong lịch sử Giáo Hội, Hội Mân Côi là:
§1. Hiệp hội ưu việt (xc. AVM 7);
§2. “Hội đoàn được Giáo Hội khuyến khích gia nhập nhất, bởi vì Hội Mân Côi là hội đoàn được ưa thích nhất và được các giáo hoàng ban nhiều ân xá nhất.” (SAT 96-97)
VI. GIÁO HOÀNG VÀ HỘI MÂN CÔI
6. Đức Lêô XIII trích một số tư tưởng của các vị giáo hoàng tiền nhiệm của ngài về Hội Mân Côi (AVM 11):
§1. “Đức Innocentê VIII gọi Hội Mân Côi là ‘một hội đoàn đạo đức nhất’ (Splendor Paternae Gloriae, 26/02/1491)”;
§2. “Đức Piô V tuyên bố rằng nhờ Hội Mân Côi ‘các Kitô hữu bỗng dưng bắt đầu được biến đổi thành những con người khác, bóng tối của lạc thuyết bị đẩy lui, và ánh sáng của đức tin công giáo chiếu rạng’ (Consueverunt Romani Pontifices, 17/09/1569)”;
§3. “Đức Sixtô V cho rằng về mặt đạo đức, Hội Mân Côi sinh hoa trái dồi dào biết bao. Ngài tự coi mình là người tận tâm nhất với Hội Mân Côi”;
§4. “Nhiều vị giáo hoàng khác cũng làm phong phú hoá Hội Mân Côi bằng nhiều ân xá và nhiều đặc ân, hoặc đã đặt Hội Mân Côi dưới sự bảo trợ đặc biệt của các ngài, chính các ngài gia nhập vào Hội Mân Côi và ban cho Hội Mân Côi nhiều chứng nhận về lòng thiện chí của các ngài.”
VII. QUYỀN THÀNH LẬP
7. Kể từ thời Đức Piô V, các vị giáo hoàng khác và đặc biệt là Đức Lêô XIII đã uỷ thác độc quyền thành lập, cổ võ và phổ biến Hội Mân Côi cho Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh (xc. DI; CO; NPP; PR; UB).
8. Các vị giáo hoàng tỏ ra nhân từ và ban đặc quyền này cho Dòng Đa Minh là vì, đối với các ngài, Kinh Mân Côi được coi như là di sản quý hoá nhất thánh Đa Minh để lại cho con cái ngài, và vì Hội Mân Côi được thành lập khởi đi từ Dòng Đa Minh (xc. HMC, tr.10).
VIII. TỔ CHỨC
9. Hội Mân Côi được tổ chức theo hai hình thức:
§1. Hình thức thứ nhất là tổ chức như các hội đoàn khác, có nội quy riêng và Ban điều hành, có những sinh hoạt chung, như: hội họp, thánh lễ, rước kiệu và lần hạt Mân Côi;
§2. Hình thức thứ hai không có Ban điều hành và nội quy riêng như các hội đoàn khác, và cũng không có những sinh hoạt chung. Bất kỳ người nào có đủ điều kiện, dù ở đâu, muốn gia nhập Hội Mân Côi, có thể ghi danh với vị Đặc trách. Hàng ngày, hội viên chỉ cần chu toàn bổn phận cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi là được;
§3. Ngoài hai hình thức nói ở §1 và §2 ra, còn có một hình thức trực thuộc Hiệp Hội Rất Thánh Đức Mẹ Mân Côi là Nhóm Mân Côi. Nhóm Mân Côi được canh tân và thích nghi từ Hội Mân Côi truyền thống theo mô hình của Pháp để cho những người không thể đọc 5 chục Kinh Mân Côi mỗi ngày hoặc không đủ điều kiện gia nhập Hội Mân Côi, có thể ghi tên gia nhập vào Gia Đình Mân Côi của Dòng Đa Minh (xc. Cẩm Nang Nhóm Mân Côi - Hiệp Hội Rất Thánh Đức Mẹ Mân Côi).
IX. HỘI VIÊN
1. Bổn phận
10. Hội viên có thể đọc riêng, đọc chung với gia đình hay chung với cộng đoàn tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện và thời gian của mình, để chu toàn bổn phận theo 3 cấp độ sau:
§1. Mỗi ngày đọc 5 chục Kinh Mân Côi;
§2. Đọc đủ 20 chục Kinh Mân Côi cho một tuần (= 20 mầu nhiệm trong 4 mùa), để cùng với Mẹ Maria suy niệm về các biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu (xc. RVM 10 và 39);
§3. Đọc đủ 15 chục trong một tuần với việc suy niệm 15 mầu nhiệm Kinh Mân Côi. Hội viên có thể chia ra đọc nhiều lần, mỗi lần một chục, cũng có thể chia ra đọc trong nhiều ngày, miễn sao một tuần đủ 15 chục.
11. Để tránh cho lương tâm khỏi áy náy, khi vì hoàn cảnh hay vì lý do chính đáng, hội viên không chu toàn được bổn phận của mình thì không mắc bất kỳ một tội trọng hay nhẹ nào.
2. Ơn ích
12. Hội viên được thừa hưởng ơn ích thiêng liêng gồm hai loại sau đây:
§1. Ơn ích chung: hội viên được hưởng công đức dồi dào của các thánh nam nữ, các tu sĩ Dòng Đa Minh và toàn thể hội viên Hội Mân Côi ở khắp nơi trên thế giới đang được hưởng tôn nhan Chúa;
§2. Ơn ích riêng: Hội viên được thừa hưởng các công đức việc lành của các phần tử trong Dòng Đa Minh và toàn thể hội viên Hội Mân Côi còn sống lập được hàng ngày.
3. Quyền lợi
13. Hội viên có quyền:
§1. Được thông chia các công nghiệp, các việc lành phúc đức của toàn thể hội viên khắp thế giới khi còn sống, lúc sinh thì và sau khi đã qua đời. Do đó, toàn thể hội viên đã thực hiện khẩu hiệu: “một người làm cho tất cả, tất cả làm cho một người”;
§2. Ngoài ra, do đặc ân của Cha Tổng quyền Bartholomeo de Comatiis vào năm 1484, các hội viên còn được thông chia công nghiệp của các thánh nam nữ, các tu sĩ Dòng Đa Minh đã, đang và sẽ lập được do thánh lễ, các giờ kinh phụng vụ, việc tông đồ bác ái hay truyền giáo;
§3. Đặc ân ở §2 đã được các vị có thẩm quyền trong Dòng tiếp tục chấp thuận, nhất là đã được Đức Lêo X châu phê ngày 02/10/1520 (xc. BOP IV, 392; AOP I, col. 212; MG, I.I. 1890).
4. Ơn xá
14. Hội viên được hưởng ơn đại xá vào những ngày và những việc với những điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý của đức giáo hoàng):
§1. Vào ngày ghi tên gia nhập Hội Mân Côi, và vào các ngày sau đây: Lễ Chúa Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Lễ Truyền Tin, Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh (hay còn gọi là Lễ Nến: ngày 2/2), Lễ Đức Mẹ Mân Côi
(xc. IC, n.3, 3/2007, p.24-25);
(xc. IC, n.3, 3/2007, p.24-25);
§2. Mỗi ngày, hội viên đọc Kinh Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện hoặc trong gia đình, trong cộng đoàn tu trì, trong hiệp hội đạo đức hoặc khi nhiều người họp nhau nhằm mục đích tốt (EI, concessio 17) thì được hưởng một ơn đại xá với những điều kiện thường lệ.
5. Hết tư cách hội viên
15. Một người đã gia nhập chính thức Hội Mân Côi chỉ hết tư cách hội viên khi đương sự tự ý xin xoá tên khỏi Hội Mân Côi.
X. ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP
16. Người công giáo đến tuổi khôn (7 tuổi trở lên) đều có thể gia nhập Hội Mân Côi.
17. Ai đã gia nhập hội đoàn nào rồi, mà trong đó có bổn phận lần hạt Mân Côi, thì cũng có thể gia nhập Hội Mân Côi; và khi hoàn thành bổn phận trong hội đoàn đó thì cũng được coi là hoàn thành bổn phận đối với Hội Mân Côi miễn là có ý chỉ như thế.
XI. GHI DANH GIA NHẬP
18. Người nào muốn gia nhập Hội Mân Côi, xin điền các thông tin: tên thánh - họ và tên - năm sinh, giáo họ (nếu có) - giáo xứ - giáo phận, điện thoại (nếu có) - email (nếu có) - địa chỉ, rồi gửi tới người đại diện tại địa phương hoặc gửi về Kinh Mân Côi Dòng Đa Minh bằng tin nhắn, email, bưu điện, gọi điện hoặc đăng ký qua trang web theo địa chỉ ở phần phụ lục (xc. phụ lục 10).
CHƯƠNG II: QUY CHẾ RIÊNG
I. TỔ CHỨC
19. Cha Giám tỉnh, đại diện Cha Tổng quyền, có quyền thành lập, cổ võ, phổ biến Hội Mân Côi trong lãnh thổ của Tỉnh dòng.
20. Đặc trách do Cha Giám tỉnh chỉ định, để thay mặt ngài, cổ võ, phổ biến và thực hiện tiến trình lập Hội Mân Côi trong lãnh thổ của Tỉnh dòng.
21. Đặc trách có quyền ghi danh bất cứ người nào với đủ điều kiện muốn xin gia nhập Hội Mân Côi. Xét hoàn cảnh, Đặc trách có thể uỷ quyền cho Hội trưởng tại địa phương ghi danh người xin gia nhập Hội Mân Côi.
22. Xét hoàn cảnh mục vụ và lợi ích của các hội viên trong một giáo phận, Cha Giám tỉnh có thể chỉ định một tu sĩ Đa Minh trong Tỉnh dòng đặc trách cổ võ Kinh Mân Côi trong giáo phận đó.
23. Hội Mân Côi có nội quy riêng và Ban điều hành gồm: Hội trưởng, Hội phó, Thư ký và Thủ quỹ.
II. SINH HOẠT
24. Tuỳ hoàn cảnh và điều kiện của địa phương, Hội Mân Côi nên tổ chức nguyện Kinh Mân Côi chung theo định kỳ (theo tuần, theo tháng hoặc theo quý) hay vào những dịp lễ mừng kính Mẹ Maria với sự đồng ý của cha xứ.
25. Đặc biệt vào Tháng Mười (Tháng Mân Côi), Hội Mân Côi nên mừng lễ trọng thể Đức Mẹ Mân Côi theo lịch phụng vụ hoặc vào một ngày thuận tiện với sự đồng ý của cha xứ.
26. Hội Mân Côi chỉ thuần tuý là hội chuyên lo cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Do đó, Hội Mân Côi tại địa phương nào khi muốn gây quỹ cho các sinh hoạt chung, các hội viên cần bàn bạc và thống nhất với nhau; hàng năm, Ban điều hành nên báo cáo thu chi cho cha xứ.
PHỤ LỤC: NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT
PHỤ LỤC 1: ĐỨC TIN
1. Mầu nhiệm cao cả
“Mầu nhiệm đức tin thật là cao cả. Hội Thánh tuyên xưng mầu nhiệm ấy trong Tín biểu các Tông Đồ và cử hành trong phụng vụ bí tích để đời sống của các tín hữu nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô trong Chúa Thánh Thần hầu tôn vinh Thiên Chúa Cha. Vậy mầu nhiệm này đòi buộc các tín hữu phải tin, phải cử hành và phải sống mầu nhiệm ấy trong tương quan sống động và cá vị với Thiên Chúa hằng sống và chân thật. Tương quan này là cầu nguyện.” (SGL 2558)
2. Hồng ân của Thiên Chúa
“Khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu nói với ông rằng không phải huyết nhục mạc khải cho ông điều ấy, nhưng là Cha của Người, ‘Đấng ngự trên trời’ (Mt 16,17). Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa tuôn ban. ‘Để có được đức tin này, cần có ân sủng Chúa Thánh Thần: Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý’.” (SGL 153)
PHỤ LỤC 2: SỐNG ĐỨC TIN
1. Thờ phượng
* Ðức Giêsu tóm tắt các bổn phận của con người đối với Thiên Chúa như sau: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi" (Mt 22,37; xc. Lc 10,27; xc. SGL 2083), và “phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10).
* Thờ phượng Thiên Chúa là nghĩa vụ hàng đầu (xc. Rm 1,5; SGL 2087), tức là nhận biết Ngài “là Ðấng Tạo Hoá và Cứu Độ, là Chúa tể của mọi loài đang hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót” (SGL 2096).
2. Tôn kính
* Việc tôn kính Mẹ Maria, “như vẫn được thực hành trong Giáo Hội, tuy hoàn toàn đặc thù, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự tôn thờ dâng lên Ngôi Lời nhập thể cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, và chính việc tôn kính này cũng quy hướng về việc tôn thờ Thiên Chúa” (LG 66; xc. SGL 971).
* Việc tôn kính Mẹ Maria “không hề cản trở, trái lại sẽ giúp đỡ các tín hữu kết hợp trực tiếp với Đức Kitô” (LG 60). Để kết hợp với Chúa Kitô một cách thiết thực, mỗi tín hữu cần nhờ Mẹ Maria dạy dỗ và dẫn dắt đến với Chúa Kitô, bởi vì Mẹ Maria là người gần gũi và yêu mến Chúa Kitô hơn ai hết (xc. EE 53-58).
* Việc tôn kính Mẹ Maria phải được bắt đầu từ Chúa Kitô, dẫn đến Chúa Kitô, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần mà đến với Chúa Cha (xc. RVM 36).
3. Phụng vụ
Người tín hữu phải dành vị trí ưu tiên cho Phụng vụ, bởi vì “Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho Giáo Hội” (SC 10). “Vì thế, từ dòng suối Phụng vụ, nhất là bí tích Thánh Thể, ân sủng chảy tràn vào chúng ta và thực hiện cách hữu hiệu việc thánh hoá con người trong Chúa Kitô, cũng như việc tôn vinh Thiên Chúa, mục tiêu của tất cả các hoạt động khác của Giáo Hội.” (SC 10)
4. Đạo đức bình dân
* “Ngoài phụng vụ bí tích và các á bí tích, việc dạy giáo lý còn phải kể đến những hình thức đạo đức của người tín hữu và những hình thức đạo đức bình dân” (SGL 1674), trong đó, Kinh Mân Côi là một hình thức đạo đức bình dân được Giáo Hội ưa thích, khuyến khích sử dụng nhiều nhất (xc. FPA 1; MC, dẫn nhập).
* Kinh Mân Côi là “lời cầu nguyện rất thích hợp cho việc sùng kính của dân Chúa, làm vui lòng Mẹ Thiên Chúa nhất và mang lại hiệu quả nhất trong việc gặt hái những phúc lành từ trời cao. Công đồng Vaticanô II khuyên dạy tất cả con cái trong Giáo Hội dùng Kinh Mân Côi, không chỉ trong việc bày tỏ ngôn từ nhưng bằng hình thức không thể sai lầm theo câu này: ‘Hãy để dân Chúa say mê với những việc thực hành đạo đức hướng tới Đức Trinh Nữ và được Giáo quyền chấp nhận trải qua nhiều thế kỷ’.” (CM 9)
PHỤ LỤC 3: ĐÔI NÉT VỀ KINH MÂN CÔI
1. Nguồn gốc
* Truyền thống cho biết rằng thánh Đa Minh đã đón nhận phương thức cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi từ Mẹ Maria, và thánh nhân đã rất tận tâm rao giảng về phương thức cầu nguyện này (xc. SAO 5; CRP; FAD 11).
* Kinh Mân Côi là lời kinh có bản chất từ trời hơn là loài người (xc. IM 8; AVM 7; CM 9-10).
2. Giá trị
* Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện:
§1. “Có sức mạnh nhất và rất hiệu quả để đạt đến sự sống vĩnh cửu” (DT 3);
§2. Quy hướng về Mẹ Maria, nhưng đồng thời cũng quy hướng về Chúa Kitô (xc. RVM 12);
§3. Của gia đình và cho gia đình (xc. RVM 6 và 41);
§4. Cho nền hoà bình thế giới (xc. RVM 41);
§5. Cho sứ vụ truyền giáo và các sứ vụ khác trong Giáo Hội (xc. GR).
* Kinh Mân Côi có giá trị và quyền lực:
§1. Củng cố đức tin, xây dựng Giáo Hội, và đẩy xa kẻ thù của Giáo Hội (xc. SAO);
§2. Đẩy lui sai lầm, giúp nhận ra chân lý, đẩy xa lạc thuyết và mang lại sức mạnh để chống lại kẻ thù (xc. FAD 11-12).
3. Phương tiện
* Kinh Mân Côi là phương tiện tuyệt vời trong việc cầu nguyện chung và là phương pháp cầu nguyện tuyệt vời nhất (xc. AD 3).
* Kinh Mân Côi là phương tiện “phù hợp nhất và mang lại hoa quả dồi dào nhất” (IM 8).
4. Hình thức tôn kính
* Kinh Mân Côi là hình thức “tôn kính tuyệt vời và mang lại ơn cứu độ nhất, là lời cầu nguyện, mà nhờ đó, người công giáo nhờ Đức Mẹ khẩn xin cùng Thiên Chúa cho sự hiệp nhất dân
Kitô giáo” (FPA 6).
Kitô giáo” (FPA 6).
* Kinh Mân Côi là hình thức tôn kính Mẹ Maria được ưa chuộng nhất (xc. SAO 5).
PHỤ LỤC 4: HƯỚNG DẪN CẦU NGUYỆN
“Các hành vi tin cậy mến, mà điều răn thứ nhất truyền dạy, được chu toàn trong kinh nguyện. Nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa là cách diễn tả việc chúng ta thờ lạy Ngài: lời kinh ca ngợi, và tạ ơn, lời kinh chuyển cầu và xin ơn. Cầu nguyện là điều kiện hết sức cần thiết để có thể tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa: ‘Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí’ (Lc 18,1).” (SGL 2098)
1. Tâm tình khi cầu nguyện
* Khiêm nhường và phó thác: “Cầu xin ơn tha thứ là động thái đầu tiên của lời kinh cầu xin: ‘Xin thương xót con là kẻ tội lỗi’ (Lc 18,13). Đó là bước đi đầu tiên để có thể cầu nguyện đúng đắn và tinh tuyền. Lòng khiêm tốn đầy tin tưởng phó thác đặt chúng ta vào trong ánh sáng của sự hiệp thông với Chúa Cha và Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô, và hiệp thông với nhau: khi đó ‘bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Ngài ban cho’ (1 Ga 3,22). Chúng ta phải cầu xin ơn tha thứ trước khi cử hành Thánh lễ, cũng như trước khi cầu nguyện riêng.” (SGL 2631)
* Kiên trì trong đức tin: “’Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi’ (Mc 11,24). Sức mạnh của cầu nguyện là như thế: ‘mọi sự đều có thể, đối với người tin’ (Mc 9,23) bằng một đức tin không nghi nan.” (SGL 2610)
2. Cách cầu nguyện
* Chúc tụng: “Chúc tụng diễn tả thái độ sâu xa nhất của việc cầu nguyện Kitô giáo. Đó là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người; trong đó Thiên Chúa ban ơn và con người tiếp nhận, hai bên mời gọi nhau và nối kết với nhau. Lời kinh chúc tụng là lời đáp của con người đối với những hồng ân của Thiên Chúa: vì Thiên Chúa chúc lành, tâm hồn con người có thể chúc tụng để đáp lại Đấng là nguồn mạch mọi phúc lành.” (SGL 2626)
* Thờ lạy: “Thờ lạy là thái độ đầu tiên của con người nhìn nhận mình là thụ tạo trước Đấng Tạo Hoá của mình. Thờ lạy là tán dương sự cao cả của Chúa, Đấng dựng nên chúng ta và sự toàn năng của Đấng cứu độ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự dữ.” (SGL 2628)
* Ca ngợi: “Ca ngợi là hình thức cầu nguyện nhìn nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa một cách trực tiếp nhất. Lời kinh ca ngợi tán dương Thiên Chúa vì chính Ngài, tôn vinh Ngài không phải vì các công trình của Ngài, nhưng bởi vì NGÀI HIỆN HỮU. Khi ca ngợi Thiên Chúa, chúng ta được thông phần hạnh phúc của những tâm hồn trong sạch, những kẻ yêu mến Ngài trong đức tin trước khi được nhìn thấy Ngài trong vinh quang. Nhờ lời kinh ca ngợi, Thần Khí kết hợp với thần trí chúng ta để chứng nhận chúng ta là con cái Thiên Chúa.” (SGL 2639)
* Tạ ơn: “Tạ ơn là nét đặc trưng của kinh nguyện của Hội Thánh, khi cử hành Thánh lễ, biểu lộ và trở thành phù hợp hơn với bản tính của mình.” (SGL 2637)
“Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Ðức Kitô Giêsu" (Tx 5,18).
“Thánh lễ chứa đựng và diễn tả mọi hình thức cầu nguyện: đó chính là ‘lễ phẩm tinh tuyền’ của toàn Thân thể Chúa Kitô để tôn vinh Danh Người. Truyền thống Đông và Tây phương đều gọi Thánh lễ là ‘hy lễ ca ngợi’.” (SGL 2643)
* Xin ơn: “Khi chuyển cầu, chúng ta theo mẫu cầu nguyện của Ðức Kitô. Người là Ðấng trung gian duy nhất dâng lời chuyển cầu lên Chúa Cha cho mọi người, nhất là các tội nhân. ‘Hơn nữa, lại có Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho chúng ta là những kẻ yếu hèn... chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa’ (xc. Rm 8,26-27).” (SGL 2634)
PHỤ LỤC 5: ĐIỀU CẦN KHI ĐỌC KINH MÂN CÔI
1. Thái độ cung kính: Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta càng cần có thái độ cung kính hơn. Có thể quỳ lần hạt thì càng tốt hơn biết mấy.
2. Suy niệm: Việc suy niệm trong khi lần hạt Mân Côi là rất cần thiết, đó là linh hồn của Kinh Mân Côi. Điều này được Đức Phaolô VI (xc. MC 42-55) và Đức Gioan Phaolô II (xc. RVM) xác nhận.
3. Sốt sắng: Cần thanh tẩy ý hướng, nghĩa là bỏ qua một bên mọi lo toan và bận tâm để chú tâm vào việc cầu nguyện.
4. Xin một ơn gì cụ thể: Khi lần hạt Mân Côi, nên xin Chúa ban cho một ơn gì đó, nhất là xin cho mỗi ngày được thêm thánh thiện hơn, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria.
PHỤ LỤC 6: PHƯƠNG THỨC LẦN HẠT MÂN CÔI
* Trọn tràng hạt Mân Côi gồm 20 chục (20 mầu nhiệm), nhưng chia ra bốn phần (bốn mùa) riêng biệt, mỗi phần gồm 5 chục. Phần thứ nhất là 5 Mầu nhiệm mùa Vui, phần thứ hai là 5 Mầu nhiệm mùa Sáng, phần thứ ba là 5 Mầu nhiệm mùa Thương, phần thứ bốn là 5 Mầu nhiệm mùa Mừng.
* Để khởi đầu Kinh Mân Côi, chúng ta làm dấu Thánh Giá. Sau đó có thể đọc 1 Kinh Tin Kính, 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh, tay lần khúc đầu của tràng hạt. Tuy nhiên không buộc đọc những kinh vừa nói để được ân xá của Kinh Mân Côi.
1. Cách độc 1 chục Kinh Mân Côi
Ngắm 1 mầu nhiệm, đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh. Đó là 1 chục hạt. Chục nào cũng đọc như thế nhưng với sự suy gẫm các mầu nhiệm khác nhau.
2. Cách đọc 5 chục Kinh Mân Côi
3. Mầu Nhiệm Mân Côi (Ngắm Tắt)
Năm Sự Vui
(Ngắm ngày Thứ Hai và Thứ Bảy)
Thứ nhất: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.
Thứ hai: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.
Thứ ba: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.
Thứ tư: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.
Thứ năm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.
Năm Sự Sáng
(Ngắm ngày Thứ Năm)
Thứ nhất: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con Thiên Chúa.
Thứ hai: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.
Thứ ba: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận bí tích Giao Hoà.
Thứ tư: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi.
Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ
Chúa Thánh Thần.
Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ
Chúa Thánh Thần.
Thứ năm: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước Mình Máu Thánh Ngài.
Năm Sự Thương
(Ngắm ngày Thứ Ba và Thứ Sáu)
Thứ nhất: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.
Thứ hai: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
Thứ ba: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.
Thứ tư: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.
Thứ năm: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.
Năm Sự Mừng
(Ngắm ngày Thứ Tư và Chủ Nhật)
Thứ nhất: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.
Thứ hai: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời.
Thứ ba: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.
Thứ tư: Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời. Ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
Thứ năm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên Đàng.
PHỤ LỤC 7: CÁC KINH THƯỜNG ĐỌC
Dấu Thánh Giá
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Kinh Tin Kính
Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh, chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng, ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.
Kinh Lạy Cha
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
Kinh Kính Mừng
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.
Kinh Sáng Danh
Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.
Lời Nguyện Fatima
Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.
Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho linh hồn... (tên thánh các linh hồn) được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
Kinh Lạy Nữ Vương
Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con con cháu Evà ở chốn khách đầy kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương. Hỡi ơi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.
Ôi khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.
PHỤ LỤC 8: NHỮNG NGÀY LỄ VỀ MẸ MARIA
THEO LỊCH PHỤNG VỤ
* Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa – Lễ trọng (ngày 1/1);
* Đức Maria dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh – Lễ kính (ngày 2/2);
* Đức Mẹ Lộ Đức (Quốc tế Bệnh nhân) – Lễ nhớ (ngày 11/2);
* Truyền Tin – Lễ trọng (ngày 25/3);
* Đức Maria đi viếng bà thánh Isave – Lễ kính (ngày 31/5);
* Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria – Lễ nhớ (sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu);
* Đức Mẹ núi Carmêlô – lễ nhớ (ngày 16/7);
* Đức Maria Linh hồn và Xác lên Trời – Lễ trọng (ngày 15/8);
* Đức Maria Trinh Vương – Lễ nhớ (ngày 22/8);
* Sinh nhật Đức Maria – Lễ kính (ngày 8/9);
* Đức Mẹ Sầu Bi – Lễ nhớ (ngày 15/9);
* Đức Mẹ Mân Côi – Lễ kính (ngày 7/10);
* Đức Maria dâng mình vào Đền Thánh – Lễ nhớ (ngày 21/11);
* Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội – Lễ trọng (ngày 8/12);
* Đức Mẹ Guadalupe – Lễ nhớ (ngày 12/12).
PHỤ LỤC 9: NHỮNG LỜI MẸ MARIA HỨA
1. Mẹ hứa sẽ gìn giữ một cách đặc biệt và ban nhiều ơn cao cả cho tất cả những ai sốt sắng lần hạt Mân Côi.
2. Ai kiên trì lần hạt Mân Côi sẽ nhận được một số ân sủng (nhãn tiền) có thể nhìn thấy được.
3. Kinh Mân Côi sẽ là áo giáp đầy uy lực để chống lại hỏa ngục. Kinh Mân Côi tiêu diệt thói hư tật xấu, giải thoát khỏi tội lỗi, và phá tan các lạc thuyết.
4. Kinh Mân Côi làm cho các nhân đức và các việc lành phúc đức sinh hoa kết quả; Kinh Mân Côi mang lại cho các linh hồn dồi dào tình thương hải hà của Thiên Chúa nhất; Kinh Mân Côi sẽ đổ tràn tình yêu của Thiên Chúa vào trong trái tim con người thay cho lòng quyến luyến thế gian, giúp người ta khinh chê thế tục cùng những giả trá của nó, và nâng tâm hồn họ khao khát những của cải trên trời. Quả thật, Kinh Mân Côi là phương tiện thánh hóa các linh hồn
tuyệt vời biết bao.
tuyệt vời biết bao.
5. Ai tín thác vào Mẹ qua việc năng lần hạt Mân Côi thì sẽ không bị hư mất.
6. Ai đọc Kinh Mân Côi sốt sắng, đồng thời áp dụng các mầu nhiệm Kinh Mân Côi vào đời sống mình, thì sẽ không bị những nỗi bất hạnh đè nặng lên mình. Người có tội sẽ được ơn hoán cải; người công chính sẽ tiến triển trong ân sủng và sẽ xứng đáng được hưởng đời sống vĩnh cửu.
7. Những người thành tâm kiên trì lần hạt Mân Côi thì sẽ được ơn trên phù trợ trong giờ lâm tử.
8. Những ai lần hạt Mân Côi thì sẽ tìm thấy ánh sáng của Chúa hướng dẫn và được Chúa ban ân sủng dồi dào khi sống cũng như trong giờ chết, và họ sẽ được tham dự vào công nghiệp của các phúc nhân.
9. Mẹ sẽ nhanh chóng cứu những linh hồn trung thành sốt mến lần hạt Mân Côi khỏi lửa luyện ngục.
10. Những con cái thành tâm với Kinh Mân Côi của Mẹ thì sẽ được thừa hưởng vinh quang lớn lao trên thiên đàng.
11. Qua Kinh Mân Côi, các con xin gì thì sẽ được như ý.
12. Những ai phổ biến Kinh Mân Côi của Mẹ thì sẽ được Mẹ cứu giúp khi gặp túng thiếu cùng cực.
13. Mẹ đã xin Con Chí Thánh Mẹ ơn này là: những ai gia nhập vào các hội đoàn Mân Côi thì đều là anh chị em với các thánh trên trời khi sống cũng như khi chết.
14. Những ai trung thành đọc Kinh Mân Côi đều là con cái dấu yêu của Mẹ và là anh chị em của Chúa Giêsu Kitô.
15. Việc yêu mến và trung thành lần hạt Mân Côi là một dấu chỉ chắc chắn cho phần rỗi linh hồn.
(Dịch từ “Les 15 Promesses de la Sainte Vierge”, trong “La Sainte Vierge à Saint Dominique et au Bienheureux Alain de la Roche”).
PHỤ LỤC 10: MẪU GHI DANH GIA NHẬP
PHIẾU GHI DANH XIN GIA NHẬP
HỘI MÂN CÔI DÒNG ĐA MINH
Tên thánh:...............................................
Họ và tên:.................................................
Năm sinh:.................................................
Giáo họ (nếu có):.....................................
Giáo xứ:...................................................
Giáo phận:...............................................
Điện thoại (nếu có):.................................
Email (nếu có):........................................
Địa chỉ:....................................................
...............................................................
...............................................................
...............................................................
Xin gửi cho người đại diện tại địa phương hoặc về cho:
KINH MÂN CÔI DÒNG ĐA MINH VIỆT NAM
Địa chỉ: Tu viện thánh Martin
Số 1/4 Kp.10 - Tân Biên - Biên Hoà - Đồng Nai
Email: kinhmancoi.net@gmail.com; DĐ: 0988560042
(Đặc trách: Tu sĩ FX. Trần Kim Ngọc, OP)
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét